16/05/2025 8:44:51 SA
ĐAU BỤNG KÉO DÀI Ở TRẺ: KHI NÀO NÊN ĐI KHÁM CHUYÊN KHOA?
Đau bụng là một trong những triệu chứng hay gặp ở trẻ em và là lý do khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đặc biệt khi tình trạng này kéo dài hoặc tái diễn. Tuy nhiên, không phải mọi cơn đau bụng đều là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Điều quan trọng là cha mẹ cần biết cách nhận diện những dấu hiệu cảnh báo – giúp phân biệt giữa đau bụng chức năng và các vấn đề tiêu hóa cần được can thiệp chuyên khoa.
1. Đau bụng kéo dài là gì?
Theo Hiệp hội Tiêu hóa Nhi khoa Bắc Mỹ (NASPGHAN) và Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu (ESPGHAN), đau bụng mạn tính hay đau bụng kéo dài được định nghĩa là các cơn đau bụng lặp lại ít nhất 4 lần mỗi tháng và kéo dài liên tục trong 2 tháng trở lên. Đây là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 10 đến 19% trẻ em bị đau bụng kéo dài, đặc biệt thường gặp ở lứa tuổi từ 4 đến 6 tuổi và giai đoạn đầu của tuổi dậy thì.
2. Nguyên nhân thường gặp của đau bụng kéo dài
Phần lớn các trường hợp đau bụng mạn ở trẻ không liên quan đến bệnh lý thực thể nguy hiểm, mà thuộc nhóm gọi là “đau bụng chức năng” – một dạng rối loạn tương tác ruột - não (Disorders of Gut-Brain Interaction – DGBI).
Theo một nghiên cứu từ hơn 200.000 trẻ em ở 29 quốc gia, tỷ lệ mắc các rối loạn đau bụng chức năng ở trẻ là 11,7%, chiếm phần lớn trong tổng số trẻ bị đau bụng mạn tính. Các dạng phổ biến bao gồm: hội chứng ruột kích thích (IBS), đau bụng chức năng không đặc hiệu, chứng khó tiêu chức năng và đau bụng chu kỳ.
Trẻ bị đau bụng chức năng thường có triệu chứng:
- Đau mơ hồ, không khu trú rõ ràng, thường quanh rốn
- Các cơn đau xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, thường tự hết sau khi nghỉ ngơi.
- Cơn đau có thể khởi phát hoặc nặng hơn trong những giai đoạn trẻ gặp căng thẳng, chẳng hạn như chuyển trường, cha mẹ ly thân, hoặc trải nghiệm sang chấn cảm xúc
- Có thể đi kèm các triệu chứng thần kinh thực vật như buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu hoặc mệt mỏi.
- Vẫn ăn uống, học tập và vui chơi bình thường giữa các cơn đau
- Không kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như sốt, nôn ói ra mật hay sút cân...
Tuy nhiên, một số trường hợp có thể là biểu hiện của các bệnh lý thực thể như: Viêm ruột mạn (IBD), bệnh Celiac, Viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm H. Pylori, Viêm tụy mạn, sỏi thận, nhiễm trùng tiểu...
Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo (Red flags) là bước quan trọng giúp phân biệt giữa đau bụng chức năng và bệnh lý cần can thiệp chuyên khoa.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa?
Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa khi thấy một hoặc nhiều dấu hiệu cảnh báo (red flags) dưới đây:
- Cơn đau làm trẻ tỉnh giấc lúc đang ngủ
- Nôn ói nhiều, ói ra mật
- Nuốt khó hoặc nuốt đau
- Thay đổi tính chất phân, thói quen đi tiêu: Tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy về đêm, phân đen hoặc phân có máu tươi
- Sờ thấy khối bất thường ở vùng bụng
- Giảm cân không chủ ý hoặc chậm tăng trưởng
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân
- Tiểu buốt, tiểu ra máu, đau vùng hông lưng
- Tiền sử gia đình có bệnh lý viêm ruột, celiac, loét dạ dày
- Đau bụng kèm theo các dấu hiệu ngoài tiêu hóa như: nổi ban, chàm, mề đay tái diễn, xanh xao, mệt mỏi.
4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị đau bụng kéo dài?
- Ghi nhận triệu chứng của trẻ: Ghi lại thời điểm, vị trí, mức độ đau, yếu tố làm tăng/giảm đau và các triệu chứng đi kèm. Việc này giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của trẻ.
- Giữ bình tĩnh và thái độ tích cực, tránh lo lắng quá mức khiến trẻ chú ý nhiều hơn đến cơn đau. Khuyến khích trẻ duy trì sinh hoạt bình thường nếu không có dấu hiệu cảnh báo.
- Không tự ý dùng thuốc: Tránh cho trẻ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc tiêu hóa khi chưa có chỉ định.
- Đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu cảnh báo
Kết luận
Đau bụng là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, và phần lớn các trường hợp là đau bụng chức năng, không do bệnh lý thực thể nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo (red flags) có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những trường hợp cần đánh giá chuyên sâu và điều trị đúng hướng.